Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Chọn ấm cho trà

Go down 
Tác giảThông điệp
Chép

Chép


Tổng số bài gửi : 26
Join date : 21/06/2011
Age : 41

Chọn ấm cho trà Empty
Bài gửiTiêu đề: Chọn ấm cho trà   Chọn ấm cho trà Empty18/8/2011, 20:25

Nếu bạn là người yêu thích trà thì việc chọn cho mình một ấm trà tốt là điều thực sự cần thiết. Ngày nay người uống trà có thể thỏa thích lựa chọn cho mình một chiếc ấm trà ưng ý trong cả một kho tàng ấm pha trà rất phong phú cả về kiểu dáng và chất liệu.

Nên chọn ấm trà nào cho trà của bạn ?

Ấm trà được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đất nung của Tầu, sứ, kim loại, thậm chí từ thủy tinh… song nhìn chung được chia làm hai loại : ấm trà « có khả năng ghi nhớ » - là ấm trà được làm từ chất liệu là đất nung; ấm trà « không có khả năng ghi nhớ », hay còn được coi là loại ấm trà không lưu lại hương vị sau mỗi lần sử dụng - là các loại ấm trà được làm từ kim loại, hay sứ, bình trà làm từ thủy tinh, hoặc cũng là đất nung nhưng đã được quét một lớp men mầu « véc ni » ở bên trong.

Để lựa chọn cho mình một ấm trà tốt nhất theo nhu cầu thưởng thức trà riêng của mình, bạn chỉ cần nhớ như sau.

Nếu bạn sử dụng thường xuyên các loại trà khác nhau, từ trà đen, trà mộc ( chè búp khô xanh tự nhiên, không có ướp hương ), trà từ thảo mộc, trà có mùi vị đặc biệt như trà gừng, trà sâm… thì tốt nhất là nên dùng loại ấm trà không lưu lại hương vị, cụ thể là từ chất liệu là sứ ( hoặc bình pha thủy tinh ). Sau mỗi lần sử dụng một loại trà, có thể rửa được sạch để không làm ảnh hưởng đến hương vị của các loại trà khác. Tuy nhiên nếu có điều kiện thì bạn nên dùng mỗi loại trà một ấm pha trà khác nhau.

Nếu bạn chỉ uống trà mộc ( trà tự nhiên không có ướp hương ) và trà xanh có ướp các mùi hương thì nên dùng ấm trà bằng đất nung là tốt nhất. Các loại trà này nên được pha bằng những ấm khác nhau, bởi ấm trà bằng đất nung là loại ấm trà « có khả năng khi nhớ », hương của trà dần được lưu lại trong ấm, sẽ không còn thú vị nữa khi mà các hương thơm của mỗi loại trà bạn định thưởng thức lại bị hỗn tạp lẫn vào nhau.

Sự lựa chọn thứ hai là ấm sứ, đặc biệt không nên dùng ấm trà kim loại, vì ấm trà làm từ kim loại dễ cho nước pha có vị chua.

Cách chọn ấm trà đất nung.

Loại ấm trà làm từ đất nung tốt, nhất thiết phải có xuất xứ từ Trung Quốc. Loại ấm trà này có thành ấm không dầy, không nặng như dáng vẻ bên ngoài của nó, nhưng lại giữ nhiệt rất tốt, trà rót ra nóng bỏng. Chính vì độ dầy không lớn nên mặc dù nhìn chiếc ấm khá nhỏ bé, nó vẫn có thể chứa tới 300 ml, thoải mái cho một bàn trà 4, 6 người. Tất nhiên bạn cũng có thể chọn mua loại ấm nhỏ hơn nữa để dùng cho hai người, hoặc lớn hơn nữa, tùy theo nhu cầu thưởng thức.

Hoa văn của ấm trà Tầu này cũng rất tinh tế còn kiểu dáng ngày nay thì vô cùng phong phú, từ đơn giản đến cầu kỳ, nhiều họa tiết. Một ấm trà đất nung của Tầu luôn có dập chữ phía dưới, giống như người ta ký tên trên một bức vẽ.

Mầu của ấm trà có thể hơi khác nhau, từ đỏ nâu đến nâu đen, đó là do sản phẩm được nung dưới nhiệt độ khác nhau, thời gian nung khác nhau.

Được làm từ loại đất đặc biệt, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi chúng là "ấm trà có khả năng ghi nhớ". Loại đất này thẩm thấu mùi hương của trà sau mỗi lần được sử dụng, khiến cho hương trà càng tinh túy hơn, bình trà càng ngày càng bóng hơn.

Một điều không thể không nói tới đó là việc việc kiểm tra xem ấm trà rót có tốt hay không. Khi đi mua bạn đừng ngần ngại yêu cầu được rót thử.

Một ấm trà được làm với kỹ thuật cao phải rót được tốt mà không rơi rớt, điều này phụ thuộc vào phần vòi ấm và độ khít của nắp đậy.

Thử phần vòi ấm trà rót có tốt hay không, bạn chỉ việc bỏ nước vào ấm trà, giữ kín nắp đậy, rót từ từ, khi nhấc ấm lên sau lần rót mà ấm rớt quá nhiều thì phần vòi rót không được tốt.

Độ khít của nắp đậy cũng ảnh hưởng tới việc rót trà. Ngoài việc kiểm tra độ khít của ấm bằng cách quan sát, bạn còn cần phải thử như sau.

Trên cái núm tròn của nắp bình trà bằng đất nung này luôn có một lỗ tròn nhỏ như đầu tăm, thông suốt. Khi đang rót nước, bạn hãy bịt phần lỗ hở nhỏ trên bằng ngón tay chỏ, nếu nước ngừng rót đột ngột và không hềt rớt ra ngoài một giọt nào, đó mới là một chiếc ấm trà có độ khít hoàn hảo.

Chọn chén trà.

Chén trà có loại hoàn toàn bằng đất nung, có loại được tráng lớp men sứ trắng bên trong. Xét về giá trị thẩm mĩ thì chúng ta nên chọn loại chén có tráng sứ, như vậy mầu trà nhìn hấp dẫn hơn rất nhiều. Khi chọn chén uống trà nên kén những chiếc vừa nhẹ, thành mỏng.

Ngoài chén trà, nếu muốn có một bộ ấm chén trà hoàn chỉnh, thì người thưởng thức trà có thể chọn thêm những trà cụ như khay, chén tống ( là chén cao, dùng để rót lượng trà tương đương với số người thưởng thức, rồi mới đem rót đều vào các chén nhỏ để nước trà được đều, không bị chén đầu lạt, chén sau đậm ), các dụng cụ nho nhỏ nhưng không kém phần quan trọng như dụng cụ lấy trà khô, dụng cụ thông vòi ấm, dụng cụ khuấy trà, dụng cụ kẹp lấy bã trà…

Luộc ấm trà trước khi sử dụng.

Một chiếc ấm trà bằng đất nung khi mới đem về cần phải được rửa sạch sẽ và làm cho hết mùi đất mới. Ban đầu bạn có thể rửa sạch bụi bặm cả ngoài và trong ấm bằng nước thường, sau đó châm đầy bình nước nóng già, để ngâm thật lâu rồi bỏ nước. Làm như vậy vài lần cho ấm thật sạch rồi mới chuẩn bị luộc ấm trà.

Dùng một nồi thật sạch, đặt ấm trà vào trong, đổ nước nguội cho ngập ấm trà, thả vào đó một nắm chè khô, để đun lửa thật nhỏ cho ấm thấm vị trà trong vòng hai giờ. Lưu ý không được để nước sôi mạnh. Lấy ấm ra, để tự khô và không tráng lại nước lã nữa.

Có nên rửa ấm trà ?

Đối với bình trà này, người sử dụng không bao giờ đem rửa trong nước lã hay dùng dụng cụ chà cọ, tẩy rửa. Người bán trà thường khuyên người mua nên tráng một lần nước sôi lên bình nếu muốn rửa. NHA thì có thói quen này. Mỗi lần vừa pha trà xong, hãy rót lấy ngay chén đầu tiên dội đều lên ấm trà một lượt. Vài giây sau ấm trà sẽ tự khô ráo mà không cần phải lau nhờ nhiệt độ cao từ bên trong ấm trà tỏa ra. Bằng cách này, phía bên ngoài của ấm cũng thẩm thấu được hương trà mà càng thơm hơn, còn vỏ bình trà thì ngày càng thêm bóng.

Cuối cùng là chúc bạn chọn được một ấm trà như ý.

(ST)
Về Đầu Trang Go down
Chép

Chép


Tổng số bài gửi : 26
Join date : 21/06/2011
Age : 41

Chọn ấm cho trà Empty
Bài gửiTiêu đề: Chọn mua và bảo dưỡng Ấm Tử sa   Chọn ấm cho trà Empty18/8/2011, 20:32

Khi chọn mua ấm Tử sa, nhiều người băn khoăn không biết nên dựa vào những tiêu chuẩn nào. Về khoản này, người bán bao giờ cũng sẵn sàng chỉ dẫn một vài “tuyệt chiêu”, để thuyết phục bạn. Như biểu diễn thả ấm vào chậu nước nổi bồng bềnh, không nghiêng lệch; nhận chìm xuống rồi buông tay, ấm sẽ nổi trồi lên mặt nước mà không bung nắp hay bị lật chìm; hoặc bịt ngón tay vào lỗ thông hơi trên núm nắp ấm thì rót nước không chảy; dùng nắp ấm gõ nhẹ vào quai phát ra âm thanh như tiếng sắt, tiếng đồng...Thật ra, tất cả những thứ ấy ngày nay đã trở thành tiêu chuẩn kinh điển, mà nhà sản xuất ấm Tử sa nào cũng đạt tới, nếu không muốn bị đào thải.

Như vậy, việc chọn mua một chiếc ấm trước hết phải xuất phát từ chính nhu cầu của người mua. Nếu mục đích của bạn tìm chiếc ấm Tử sa để hàng ngày làm bạn với trà, thì nên chọn kiểu ấm đơn giản, hoa văn trang trí dễ nhìn, không gây khó khăn khi lau rửa, miệng rộng dễ cho trà vào bình và bỏ xác trà khi dùng xong. Cần nhất là một chiếc ấm hình thể cân đối, vững chãi, không dễ bị ngã đổ.

Cách chọn ấm Tử sa

1.NHÌN BẰNG MẮT: Hình dáng thanh thoát, ưa nhìn.Các bộ phận như :thân ấm, nắp, miệng, vòi, quai, đáy phải cân đối, liền lạc. Màu sắc đồng đều trong ngoài. Dấu triện của nghệ nhân hay nhà sản xuất nét chữ sắc sảo, đặt cân đối ở trung tâm đáy ấm, theo trục thẳng từ quai sang vòi ấm. Những chiếc ấm đắt tiền thường có thêm dấu triện phụ dưới nắp và quai cầm thật rõ nét. Vòi ấm có thể dài ngắn khác nhau, nhưng quan trọng là khi rót, nước chảy thông, đều và thẳng dòng, không rơi vãi hay đọng giọt nhểu ra ngoài.

2.NGHE BẰNG TAI: Đặt ấm lên lòng bàn tay, tay kia cầm nắp ấm khẽ gõ vào quai, tiếng kêu đanh; chắc như kim loại chạm vào nhau.

3.CẢM NHẬN BẰNG TAY: Trơn láng, mịn màng, không tì vết. Nắp và miệng ấm khít khao, vì ấm Tử sa được nung trong lò liên tục 23 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ từ 1.190 – 1.270 độ C (trung bình 1.200 độ C), đòi hỏi tay nghề nghệ nhân phải cao, chất đất phải thật tốt và mịn mới không bị co giãn khi nung. Do tính bào mòn trong quá trình sử dụng, một chiếc ấm dùng càng lâu càng lên nước, không đổi màu, đó mới chính là đặc trưng ưu việt của ấm Tử sa, chứ màu sắc đất không liên quan gì đến chất lượng và công dụng.

Ngoài ra, bạn đừng bao giờ nghe lời quảng cáo những chiếc ấm Tử sa mới phát ra mùi thơm. Vì ấm làm bằng đất đào trong núi, lọc lắng thành bùn, lại phải qua quá trình nung trong lò, làm sao có mùi thơm được? Hoặc có người tin rằng, ấm Tử sa càng lâu năm càng có giá trị. Điều đó chỉ đúng một phần về giá trị lịch sử (như chơi đồ cổ), thực tế không phải chiếc ấm Tử sa lâu năm nào cũng đạt chuẩn về tính nghệ thuật, kỹ thuật tay nghề, chất liệu...Trong giới chơi ấm hiện nay, có những chiếc ấm mới làm ra nhưng giá trị cao gấp nhiều lần những chiếc ấm lâu năm.

Giá cả, thị trường

Ngày nay, đi du lịch bất cứ nơi nào trên thế giới bạn cũng có thể mua được ấm Tử sa. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là TQ, kế đến Đài Loan, rồi mới tới Hong Kong, Singapore, Nhật, Thái Lan, Mỹ...Về giá cả, câu “tiền nào của đó” hầu như không ép phê với mặt hàng ấm Tử sa, bạn có thể rinh nhầm một chiếc giá thật đắt không đúng giá trị thật của nó, nhưng đôi khi cũng mua được giá hời tùy vào cái duyên của bạn. Về khoản này, xin mách bạn một số kinh nghiệm: đối với hàng do thương lái gốm sứ đem vào VN, những chiếc ấm trung bình, dùng được, bạn chỉ cần trả 1/3, hoặc tối đa ½ giá họ đưa ra là mua được (thí dụ họ ra giá 600.000 đồng, nếu kiên nhẫn trả giá bạn có thể chỉ chi ra từ 200-250.000, thậm chí có món kêu 800 ngàn, chỉ bán 200 ngàn đồng), riêng những chiếc ấm được xem là cao cấp, trong bụng bạn rất thích, cũng không nên trả giá quá 50%.

Đi du lịch TQ theo đoàn, không nên mua ấm tại các cơ sở sản xuất hay cửa hàng do hướng dẫn viên địa phương đưa tới. Giá cả ở những nơi này thường không phản ánh đúng giá trị sản phẩm, thậm chí nếu bạn thử trả chừng phân nữa giá niêm trên sản phẩm thì đã phải móc ví, để nhận hàng. Tại các điểm đón khách du lịch, có nhiều cửa hàng bày bán ấm Tử sa như...bán kẹo, chỉ cần trả ¼ hoặc 1/3 giá niêm là mua được.

Ở Tô Châu, tôi mua được một chiếc ấm trong tình cảnh hết sức tức cười: giá chỉ 50 tệ (100.000 VNĐ), mua ở cửa hàng xéo cổng Hàn San tự. Do người bán ra giá quá cao: 420 tệ, tôi vì không muốn mua nên trả bừa 50 tệ để rút lui, không dè bị bà chủ níu áo lại, nói: "Dạo này ế ẩm quá, mấy ngày chưa bán được hàng. Bán cho ông 1 cái để lấy hên!” Thêm một trường hợp khác ở TP.HCM: Tại gian hàng gốm sứ ở công viên Phú Lâm, tôi bắt gặp chiếc ấm của nữ nghệ nhân Ngô Lợi Quần mà mình đã nhìn thấy ở Vô Tích, chủ hàng ra giá 1,6 triệu đồng, do biết rõ chất lượng ấm và người làm ra nó, tôi trả đến 800.000 đồng mà vẫn không mua được. Tuần sau, tình cờ có việc đi ngang, tôi ghé vào thấy chiếc ấm vẫn còn, nhưng lần này người đứng bán là một cô gái khác. Tôi thử trả giá và không ngờ mua được chỉ với 500.000 đồng.

Sử dụng và bảo dưỡng ấm Tử sa

Sở dĩ gọi bảo dưỡng (thay vì bảo quản) là do ấm Tử sa có đời sống riêng của nó. Những chiếc ấm trải qua thời gian dài sử dụng và bảo dưỡng sẽ trở nên sáng ngời, tròn trịa, dày nặng, rắn chắc và tinh khiết...Nói chung, giá trị của nó chỉ có tăng chứ không giảm. Ấm mới mua về, có người dùng giấy nhám loại nhuyễn thấm nước kỳ cọ mặt trong cho sạch lớp bùn (thời xưa, dùng ngói lợp nhà làm bằng đất đen ở vùng Giang Nam tán thành bột nhuyễn, dùng mấy lớp vải sô bọc lại để chà xát, cọ rửa), sau đó cho ấm vào một nồi nước đun sôi suốt mấy tiếng đồng hồ. Có người dứt khoát đun sôi ấm như thế trong một nồi trà lớn, để ấm có thể hấp thu chất trà vào các lỗ thông khí kép (khí khổng), loại bỏ mùi của đất. Ngày nay, trên thị trường đã có bán loại máy chuyên dùng bảo dưỡng ấm, bằng cách phun nước trà liên tục suốt một ngày đêm, để tôi những chiếc ấm mới.

Uống trà bằng ấm Tử sa, tốt nhất mỗi loại trà nên dùng một ấm riêng, để giữ hương vị đặc trưng. Ngay cả khi dùng trà để tôi ấm, nấu ấm mới, cũng nên dùng đúng loại trà ấy. Mỗi buổi sáng, khi rửa bộ đồ trà, bằng cách dùng xác trà cũ trong ấm chà xát lên toàn thân ấm, có thể làm sạch các vết dơ mà không gây trầy xước. Đối với những chiếc ấm cũ bề mặt bị hư tổn, nứt rạn nhẹ, dùng phương pháp “nước trà dưỡng ấm” có thể khôi phục, những vết nứt rạn sẽ dần dần khít lại, đúng là “tôn cổ xuất tân”. Chọn trà cho ấm, chọn ấm cho trà. Dùng ấm để cất giữ hương vị trà, dùng trà để bảo dưỡng ấm, đã trở thành chân lý của một thú chơi thi vị.

Nghệ nhân Tử sa xưa và nay

Cho đến bây giờ, các tài liệu sách vở đọc được đều cho biết, Cung Xuân là người sống qua hai triều vua Gia Tĩnh, Chính Đức đời Minh đã khắc dấu ấn tên mình lên chiếc ấm Tử sa đầu tiên. Thành công này đã gây men cho một thế hệ nghệ nhân nổi lên vào triều Vạn Lịch nối tiếp, gồm có: Đổng Hàn, Triệu Lương, Nguyên Sướng và Thời Bằng. Tác phẩm của Triệu Lương, Nguyên Sướng và Thời Bằng mang phong cách cổ sơ của Cung Xuân, riêng Đổng Hàn là người đầu tiên sáng tạo ra dòng ấm dạng hoa trám trang nhã mà tinh xảo vôcùng.

Sau “Tứ đại danh gia” là đến thời của các nghệ nhân: Lý Mậu Lâm giỏi làm ấm tròn, nhỏ; thoạt nhìn không thấy đẹp nhưng quan sát kỹ thì cấu tứ cực kỳ tinh tế, ông đã có những cải tiến quan trọng ở công đoạn nung ấm Tử sa. Thời Đại Bân là con của Thời Bằng, nhưng tài nghệ có phần vượt trội cha mình, ông là nhà chế tác ấm Tử sa nổi tiếng chỉ sau Cung Xuân. Thời của ông xuất hiện bài đồng dao Đào tứ, ca rằng: Nghi Hưng diệu thủ sổ Cung Xuân, hậu bối duy suy Thời Đại Bân (Bàn tay kỳ diệu của Nghi Hưng phải kể đến Cung Xuân, duy lớp sau đáng ca ngợi chỉ có Thời Đại Bân).

Thời Đại Bân truyền nghệ cho nhiều đệ tử, xuất sắc hơn cả có Lý Trọng Phương và Từ Đại Bân, ba người để lại cho đời nhiều kiệt tác ấm Tử sa, được xưng tụng là “ Hồ gia diệu thủ tam đại”. Lý Trọng Phương là con trai của Lý Mậu Lâm, tác phẩm của ông văn nhã, nhưng xét về mặt kỹ thuật thì thật tử công phu. Sau “Tam đại” là nhiều tên tuổi khác, nhưng đặc biệt nổi trội có Trần Trọng Mỹ và Thẩm Quân Dụng, những ấm Tử sa do họ làm ra đều được người đương thời gọi là “thần phẩm”.

Đến đời Thanh, nghệ thuật chế tác ấm Tử sa lại tiến thêm một bước dài, thời mạc Minh sơ Thanh có Trần
Minh Viễn, tên hiệu Hạc Phong hay Hồ Ẩn chế tạo những trà cụ nhã ngoạn với phong cách mới lạ, hoa văn đường nét khắc chạm tinh tế, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Thời Gia Khánh- Đạo Quang có hai anh em Dương Bành Niên, Dương Phụng Niên (nữ) làm ra những chiếc ấm Tử sa với hình dáng thật lạ mắt, lung linh tự nhiên như vật thật. Đặc biệt, Dương Bành Niên còn hợp tác với Trần Mạn Sinh ở Thạch Kim Gia, là đương chức tri huyện Lệ Dương, dùng dao tre khắc tranh lên phôi ấm, mở ra một chương mới cho nghệ thuật tạo hình và trang trí ấm Tử sa. Tác phẩm hợp tác của hai người ký “Á Mạn Đà Thất”, đáy và quai ấm có dấu triện “Bành Niên”, cũng gọi là “Mạn Sinh”. Cùng thời với hai người có Thiệu Đại Hanh nổi tiếng làm những chiếc ấm hình khóm trúc, cá hoá rồng, tạo dáng hồn hậu chất phát , tinh mỹ vô cùng, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chế tạo ấm Tử sa.

Nghệ nhân Tử sa tên tuổi ở vào hai triều Minh- Thanh rất nhiều, trên đây chỉ kể những người nổi trội nhất. Từ cuối triều đại nhà Thanh đến thời kỳ Dân quốc, ngành sản xuất và buôn bán ấm trà Tử sa phát triển rất mạnh, các lò gốm quy mô lớn có đến hàng trăm công nhân, còn các lò nhỏ hoạt động theo mô hình sản xuất gia đình. Năm 1912, Châu Văn Bá là người sáng lập công ty đồ gốm Tử sa đầu tiên ở TQ. Năm 1917, chính quyền tỉnh Giang Tô cho phá núi xây Công xưởng gốm Tử sa Giang Tô, khâu kỹ thuật do hai nghệ nhân trứ danh Trình Thọ Trân và Du Quốc Lương đảm trách. Đới Quốc Bảo là nghệ nhân khắc sứ nổi tiếng cũng mở công ty đồ gốm Thiết Họa Hiên, ông mua phôi ấm của các nghệ nhân có tiếng ở Nghi Hưng như: Tưởng Yến Đình, Chí Cự, Hùng Cao, Trình Thọ Trân, Uông Bảo Căn...về khắc tranh, thư pháp rồi đem nung, bán ra thị trường. Ngoài Thiết Họa Hiên, Nghi Hưng còn có những xưởng gốm Tử sa xuất khẩu ấm trà ra nước ngoài nổi tiếng, như xưởng Trần Đỉnh Hòa của nghệ nhân Trần Nguyên Minh, lò Cát Dực Dân chuyên cung cấp ấm Tử sa cho một công ty Nhật ở Osaka...

Đến thời điểm hiện nay, các nghệ nhânTử sa đương đại thuộc hàng “cao thủ” ở Nghi Hưng có 8 vị: Cố Cảnh Chu, Tưởng Dung, Bùi Thạch Dân, Chu Khả Tâm, Ngô Vân Căn, Vương Dần Xuân, Nhậm Cán Đình và Đàm Tuyền Hải. Các nghệ nhân này hầu hết đều giữ những chức vụ quan trọng trong ngành mỹ thuật tỉnh Giang Tô. “Danh sư xuất cao đồ”, học trò và con cái của họ cũng là những nghệ nhân kiệt xuất trong nghề: Từ Hán Đường, Từ Tú Đường, Lý Xương Hồng, Thẩm Cừ Hoa (nữ), Lý Bích Phương (nữ), Uông Dần Tiên (nữ), Lữ Hiểu Thần, Ngô Chấn, Bào Chí Cường, Trữ Lập Chi, Cố Thiệu Bồi, Hà Đạo Hồng...Thành phố Nghi Hưng hiện có tới 20 công ty, nhà máy chuyên sản xuất mặt hàng gốm Tử sa, mỗi ngày có 20 ngàn nghệ nhân, công nhân đến xưởng làm việc.

SONG MỘC

Về Đầu Trang Go down
 
Chọn ấm cho trà
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Thư giãn nhẹ nhàng :: Quán trà đạo-
Chuyển đến